Hướng dẫn viết CV cho người chưa có kinh nghiệm làm việc

Khi nhận được một CV, điều mà nhà tuyển dụng quan tâm nhất chính là mục Kinh nghiệm làm việc. Họ muốn biết bạn đã từng đảm nhiệm những công việc nào trước đó, thành tích của bạn trong công việc đó ra sao, liệu có phù hợp với vị trí đang tuyển hay không. Nhưng nếu bạn là sinh viên muốn tìm kiếm công việc thực tập, làm thêm và không có kinh nghiệm đáng kể thì sao? Bạn nên viết gì trong CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng? Nếu vậy hãy tham khảo các gợi ý dưới đây của mình nhé!

1. Thông tin cá nhân

Đây là phần giới thiệu các thông tin cơ bản về bạn như ảnh đại diện, họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, email, tài khoản mạng xã hội.

Phần ảnh đại diện, hãy chọn ảnh lịch sự, nên từ ngực hất lên và rõ mặt. Ảnh không cần phải quá nghiêm túc như ảnh thẻ nhưng cũng không nên dùng ảnh filter quá đà hay có dáng chụp không phù hợp.

Với địa chỉ, bạn không cần ghi quá chi tiết cả số nhà, chỉ cần đường, phường (xã), quận (huyện), tỉnh (thành phố) là đủ. Mục đích của việc điền địa chỉ là để nhà tuyển dụng biết nhà bạn cách công ty khoảng bao xa, nếu đi làm thì có thuận tiện hay không.

Email bạn hãy lựa chọn một email chuyên nghiệp chứ đừng “chẻ chow” nha. Khuyến khích mọi người nên để mail theo cấu trúc: tên + họ, tên đệm viết tắt@gmail.com (VD: ngocnth@gmail.com) hoặc email edu của trường ngocnth@ulis.edu.vn.

Với tài khoản mạng xã hội, bạn nên để tài khoản LinkedIn nha. Nếu bạn ứng tuyển các công việc liên quan đến sáng tạo và có sản phẩm trên các trang của mình, bạn có thể để link Facebook, Instagram hoặc Tiktok tùy ý nhé.

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Mình thấy nhiều bạn chưa coi trọng phần này hoặc viết khá chung chung. Với mục tiêu nghề nghiệp, bạn hãy chia ra thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn nhé.

Mục tiêu ngắn hạn là những kiến thức, kỹ năng mà bạn muốn học hỏi được. Trong khi đó mục tiêu dài hạn là thành tựu lớn trong công việc và vị trí công việc mà bạn hướng đến trong 3-5 năm tới.

Ở phần này, bạn không nên sa đà vào việc kể lể mà hãy nêu thật rõ ràng, cụ thể, trung thực nhé.

3. Trình độ học vấn

Phần này bạn hãy viết trường và ngành mà bạn đang theo học. Nếu điểm GPA của bạn khá cao và có thể gây ấn tượng thì hãy nhớ thêm vào nhá. Nếu bạn đã tốt nghiệp thì hãy kèm thêm năm tốt nghiệp và loại bằng vào phần này luôn ha.

Nhiều bạn hỏi có nên viết trường cấp 3 vào hay không thì lời khuyên của mình là chỉ nên viết nếu bạn học trường cấp 3 chuyên thôi. Còn nếu không chỉ cần viết trường đại học là đủ vì thực sự nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến chuyên ngành học đại học của bạn hơn đó.

4. Hoạt động ngoại khóa

Thay vì viết kinh nghiệm làm việc, bạn có thể đề cập đến các công việc mà bạn đã từng làm thêm hoặc thực tập. Còn nếu vẫn không có những việc đó, bạn có thể liệt kê các hoạt động ngoại khóa mà mình tham gia.

Tuy nhiên, đừng chỉ liệt kê hoạt động mà không nói gì thêm. Ở đây, bạn cần nêu rõ vị trí công việc của mình là gì, công việc mà mình đã đảm nhiệm và các thành tích nếu có. Một lưu ý nữa là đừng liệt kê công việc từ đầu tiên đến cuối cùng mà hãy liệt kê theo trình tự thời gian gần nhất trở về trước nhé.

5. Thành tích và giải thưởng

Nếu chưa có kinh nghiệm làm việc thì hãy gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những thành tích của bạn nha. Bạn có thể viết vào đây những thành tích và giải thưởng trong thời gian còn đi học, ví dụ như nghiên cứu khoa học, cuộc thi hùng biện, các cuộc thi sinh viên, cuộc thi sáng tạo… Tuy nhiên, chỉ nên nêu những thành tích có liên quan đến công việc ứng tuyển thôi nhé.

6. Kỹ năng

Kỹ năng cũng là một yếu tố quan trọng có tầm quyết định xem bạn có được nhận hay không. Hãy nêu ra những kỹ năng cho thấy bạn phù hợp với vị trí tuyển dụng như: ngoại ngữ, tin học văn phòng, làm việc nhóm, lãnh đạo…

Kỹ năng của bạn sẽ trở nên thuyết phục hơn nhiều nếu có chứng chỉ kèm theo. Ví dụ, nếu bạn có kỹ năng ngoại ngữ thì cần có thêm chứng chỉ TOEIC, IELTS, HSK. TOPIK…, tin học văn phòng thì có MOS, hoặc nếu bạn có các chứng chỉ online của Google, Coursera, Edx thì cũng hãy liệt kê ở đây nhé.

Một lưu ý cực kỳ quan trọng là KHÔNG viết kỹ năng sử dụng các thanh kéo theo các mẫu CV có sẵn ở trên mạng vì thanh kéo đó khá chủ quan, không nêu bật được năng lực thực sự của bạn.

7. Sở thích

Phần sở thích chủ yếu là để nhà tuyển dụng tìm hiểu thêm về ứng viên, nhưng không vì thế mà viết bừa bãi bạn nha. Hãy viết một cách lịch sự, chỉn chu và tốt nhất là những sở thích có phục vụ thêm cho công việc thì càng tốt. Ví dụ như bạn ứng tuyển vị trí viết content thì có thể nêu sở thích đọc sách, viết lách chẳng hạn.

8. Những lưu ý chung khi viết CV nếu chưa có kinh nghiệm làm việc

  • Nhấn mạnh phần Kỹ năng và Thành tích và Giải thưởng
  • Sử dụng ngôn ngữ, cách trình bày chuyên nghiệp
  • Không nói dối và bịa chuyện trong CV

Chúc các bạn sẽ viết được những chiếc CV xịn xò và có công việc như ý nha ^^

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart
  • Your cart is empty.
Scroll to Top