Nhà tuyển dụng có quan tâm đến việc bạn học trường nào không?

Đây là một trong những câu hỏi mà mình nhận được khá nhiều từ những bạn nhờ mình tư vấn. Bài này mình chia sẻ một chút thông tin để mọi người tham khảo nghen. 

Lưu ý: Chia sẻ này xuất phát từ các case mình đã gặp, các job mình đã ứng tuyển hoặc đã đi tuyển, không đại diện cho tất cả các vị trí, tất cả các công ty.

Hồi mình làm ở công ty dịch thuật ở vị trí điều phối viên, mình thường xuyên cần tuyển CTV biên dịch và phiên dịch (rất nhiều thứ tiếng khác nhau). Đối với ngành dịch, hầu hết các vị trí tuyển đều sẽ ưu tiên ứng viên đến từ các trường chuyên đào tạo ngành Ngôn ngữ hoặc có ngành Ngôn ngữ, các trường top thì hồ sơ càng được ưu tiên. Ví dụ như ở khu vực Hà Nội thì có ULIS, HANU, FTU, DAV…

Sẽ có những ngành, vì đặc thù công việc đòi hỏi, nên sẽ quan tâm đến trường mà ứng viên từng theo học.

Tuy nhiên, để mình nói với bạn một trải nghiệm mà mình gặp nhiều hơn cả, đó là nhà tuyển dụng họ quan tâm đến KINH NGHIỆM LÀM VIỆC của bạn nhất, chứ không phải những yếu tố khác.

Cái này là để trả lời cho những câu hỏi như:

  • Em không học ngành A ở đại học nhưng đã tự học và có kinh nghiệm rồi, liệu có bị yếu thế hơn so với các bạn được đào tạo chính quy ngành đó không?
  • Em và bạn X cùng học ngành Marketing, nhưng trường bạn X thì là trường top, trường em không nổi bằng, thì có phải bạn có nhiều cơ hội hơn em không?
  • Thời đại học em không có nhiều hoạt động ngoại khoá lắm nên mục này trong CV hơi ít, vậy có làm sao không?

KHÔNG Ạ.

Đa số các công ty sẽ chú ý đến kinh nghiệm làm việc của bạn hơn là những yếu tố khác. Vì sao lại thế? Vì đơn giản là bạn có kinh nghiệm rồi thì họ đỡ mất công đào tạo lại.

Ví dụ bây giờ mình cần tuyển job edit video mà ứng viên chưa có kinh nghiệm làm Capcut và mình phải đào tạo họ thì bao giờ mới vào việc được đây trời 😭😭

Vậy câu chuyển sẽ chuyển sang thành: NÊN TRÌNH BÀY KINH NGHIỆM LÀM VIỆC TRONG CV NHƯ THẾ NÀO?

Mình có một vài gợi ý như sau:

  • Kinh nghiệm làm việc nên được đặt ở vị trí dễ thấy nhất, cũng là phần được đầu tư nhiều nhất trong CV của bạn.
  • Viết theo trật tự thời gian, từ công việc gần nhất bạn làm cho đến xa nhất.
  • Mỗi công việc cần đưa ra đầy đủ thông tin: Công ty/Tổ chức nào, vị trí nào, làm trong khoảng thời gian nào, các công việc bạn đã thực hiện, kết quả đạt được. Riêng phần kết quả, bạn nên đưa ra các con số thì sẽ thuyết phục hơn nhiều. Ví dụ: Tăng trưởng Fanpage công ty từ 1000 like lên 10.000 like trong 3 tháng.
  • Nên liệt kê những kinh nghiệm làm việc thực sự liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

VẬY CHƯA CÓ TÍ KINH NGHIỆM NÀO THÌ PHẢI LÀM SAO?

Thì phải TẠO RA nó 😂

Và điều này nằm ở sự chủ động của mỗi người, không thể trông chờ người khác mang lại kinh nghiệm cho mình.

Ví dụ bạn muốn ghi kinh nghiệm design ảnh, edit video thì bạn có thể tự học hoặc đi học về Canva/Capcut hay các phần mềm chuyên nghiệp hơn nữa. Bạn có thể tự xây kênh để tăng thêm uy tín cho kinh nghiệm của mình.

Bạn cũng có thể tìm kiếm các công ty/tổ chức không yêu cầu kinh nghiệm ban đầu, chấp nhận mức lương thấp hơn để được đào tạo.

Và khi bạn có kinh nghiệm (dù là nho nhỏ), hãy nói về nó, và hãy liên tục tìm kiếm những sự kết nối chất lượng (networking) để tạo thêm cơ hội cho mình.

Keyword chỉ có một thôi: CHỦ ĐỘNG.

Nếu còn câu hỏi nào về chủ đề này, hãy cho mình biết với nha ^^

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart
  • Your cart is empty.
Scroll to Top