Giải đáp một số câu hỏi về ngành Biên – Phiên dịch

Nếu bạn có dự định tìm hiểu hay theo đuổi ngành Biên Phiên dịch tiếng Anh và còn nhiều băn khoăn về ngành này, hãy thử tham khảo những câu hỏi và trả lời của mình dưới đây nha.

1. Có cần giỏi tiếng Anh để theo chuyên ngành Biên phiên dịch không?

Mình không nói rằng có cần giỏi hay không, mà cần phải thành thạo, tức là nắm chắc về ngữ pháp, có lượng từ vựng nhất định, 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết phải tương đối. Đó là lý do tại sao bạn phải trải qua 2 năm học kỹ năng tiếng rồi lên năm thứ 3 mới bước vào học chuyên ngành. Hãy tận dụng 2 năm đó để cải thiện các kỹ năng của mình, đó chính là bước đệm vững chắc để bạn bước vào học ngành Biên phiên.

2. Làm Biên phiên dịch có cần thi chứng chỉ tiếng Anh không? IELTS mấy chấm mới làm được biên phiên dịch?

Theo kinh nghiệm của bản thân mình thì bạn nên có ít nhất một chứng chỉ tiếng Anh để chứng minh năng lực tiếng của bạn, hay xịn hơn là một chứng chỉ hoàn thành khóa học biên phiên dịch từ một tổ chức uy tín. Thông thường khi mình apply vào các dự án phiên dịch cũng sẽ được hỏi về bằng cấp và chứng chỉ, nên mình nghĩ có một chiếc certi sẽ làm chúng mình trông “tín” hơn gấc nhìu.

Vậy phải đạt mấy chấm đây? Thực ra không có một quy định cụ thể nào về việc bạn phải có chứng chỉ ai eo mấy chấm thì mới đủ điều kiện đi làm biên phiên dịch. Nhiều người điểm IELTS cao nhưng chưa chắc dịch đã tốt, cũng như nhiều người rất giỏi tiếng Việt nhưng chưa chắc đã trở thành nhà văn. Như mình đã nói ở trên, chúng ta cần thành thạo cả 2 ngôn ngữ và không ngừng trau dồi khả năng của mình.

3. Để làm biên phiên dịch cần thành thạo các công cụ nào?

Nếu bạn nghĩ dịch thuật chỉ là dịch ra một bản word rồi gửi cho khách, thì mình e là đúng chưa đủ để thực sự làm nghề đâu. Để bước vào ngành biên phiên, mình khuyến khích bạn nên tìm hiểu các công cụ sau đây nhé:

  • Các công cụ office cơ bản: Word, Excel, PowerPoint. Khách hàng sẽ không chỉ gửi cho bạn một bản word này và yêu cầu bạn dịch ra một bản word khách đâu. Ít nhất, hãy thành thạo công cụ office để xử lý các file mà khách gửi nhé.
  • ABBYY FineReader: Công cụ để xử lý các tệp PDF. Nếu bạn muốn chuyển đổi tập pdf sang word để đếm số từ hay lấy format thì công cụ này rất hữu ích đó.
  • SDL Trados/Wordfast/Memsource: Đây là các phần mềm dịch thuật, giúp mình dịch các thuật ngữ một cách thống nhất hơn trong bản dịch của mình và có thể tận dụng bộ nhớ dịch (nếu có) để tiết kiệm thời gian.
  • Tratu. soha: Từ điển chuyên ngành mở giúp chúng mình nắm được đủ các nghĩa và sắc thái nghĩa của từ.

Ngoài ra, nếu bạn muốn làm công việc dịch video, bạn có thể tham khảo thêm các phần mềm như Aegisub, Format Factory…

4. Để làm biên phiên dịch cần phải có kỹ năng gì?

Đầu tiên chắc chắn phải là các kỹ năng tiếng ở cả hai ngôn ngữ mà bạn sẽ biên phiên dịch. Ngoài ra, nếu định hướng làm phiên dịch, bạn nên luyện tập thêm các kỹ năng sau nha:

– Kỹ năng tốc ký

– Kỹ năng tổng hợp vấn đề

– Kỹ năng giao tiếp

– Kỹ năng thuyết trình

5. Nếu chưa có kinh nghiệm biên phiên dịch thì có nên ứng tuyển công việc làm thêm liên quan không?

Rất nên. Không ai tự nhiên lại có kinh nghiệm ở một mảng nào đó mà phải thực sự trải qua quá trình làm việc, quan sát, học hỏi, mắc sai lầm và rút kinh nghiệm. Vì vậy, nếu bạn có công việc liên quan đến ngành biên phiên, bạn sẽ có cơ hội để làm quen và tiến bộ trong nghề. Tất nhiên, khi chưa có kinh nghiệm thì cần phải có cái khác để bù vào, đó là thái độ cầu thị, tác phong làm việc nghiêm túc, là việc giảm bớt cái tôi để lắng nghe phê bình, là sự chăm chỉ, chịu khó để nhanh tiến bộ.

6. Tìm việc làm thêm biên phiên dịch ở đâu?

Trên phạm vi Facebook, bạn có thể tham gia các group việc làm tiếng Anh, các group biên phiên dịch (Biên – Phiên Dịch Tiếng Anh | Reflective English là một group rất chất lượng này) và tìm kiếm công việc trên đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm việc trên các website Ybox, Vlance, Upwork hoặc trang tuyển dụng của các công ty dịch thuật có tuyển CTV nữa nhé.

7. Làm thế nào để biết mức giá dịch, tránh bị “bóc lột”?

Cách mình thường áp dụng là tham khảo bảng giá dịch vụ của các công ty dịch thuật ở trên mạng, để xem với loại hình dịch đó thì họ tính giá bao nhiêu thì mình sẽ giảm một chút vì mình là cá nhân. Ngoài ra bạn cũng có thể đăng lên group để hỏi những người có kinh nghiệm hơn. Tất nhiên, mức giá tốt nhất vẫn là thuận mua vừa bán, bạn cảm thấy xứng đáng với công sức bỏ ra và người thuê bạn sẵn sàng chi trả.

Trả lời sương sương vậy thui ha. Nếu bạn còn câu hỏi nào thì có thể comment cho mình biết nè ❤

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart
  • Your cart is empty.
Scroll to Top